Xin việc ở London (phần 2)

Thứ Tư, 21/10/2015, 13:20 GMT+7

Phần 2 bài viết này đặc biệt thú vị với những chia sẻ cực kỳ chân thực của Kiểm toán viên Nguyễn Vũ khi trải qua vòng phỏng vấn “hiểm hóc” và ngày tuyển dụng khó khăn. Rất mong các bạn sẽ nhận được những thông tin bổ ích để ứng dụng trong quá trình kiếm việc của mình.

xin việc

1. Tìm hiểu kỹ về công ty và ngành nghề

Hình thức phỏng vấn vô cùng phong phú, có khi chỉ một người phỏng vấn bạn, nhưng có khi là một hội đồng gồm nhiều người. Người phỏng vấn có thể rất hòa nhã, thân thiện nhưng cũng có thể rất nghiêm khắc, khó tính và liên tục đưa ra những câu hỏi xoáy. Trong các cuộc phỏng vấn với hội đồng, một người thường đóng vai trò “vị giám khảo khó tính” thường xuyên “vặn vẹo” câu trả lời của bạn, còn một người khác sẽ gợi ý, khích lệ và làm dịu bớt sự căng thẳng. Nhưng bạn phải cảnh giác, bởi đôi khi họ sẽ hoán đổi vị trí vào một thời điểm bạn không ngờ tới.

Tất cả những điều này đều nằm trong sự sắp xếp từ trước của nhà tuyển dụng, với mục đích duy nhất là quan sát và đánh giá cách bạn ứng phó với các tình huống khó khăn trong công việc. Khi gặp những vị giám khảo khó khăn, bạn cần thể hiện được sự bình tĩnh và tính chuyên nghiệp của mình. Trước mỗi câu hỏi, tuyệt đối đừng trả lời ngay mà dành ra một vài phút suy nghĩ, nếu bạn chưa hiểu thì đừng ngại hỏi lại cho rõ.

Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao những người có sự phân tích, suy ngẫm và cẩn trọng trước một vấn đề được đưa ra. Bạn cần nhớ rằng, nhà tuyển dụng không bao giờ muốn bắt lỗi ai; những gì họ muốn tìm là điểm mạnh của bạn, và vì thế đó cũng chính là những gì mà bạn muốn và nên thể hiện.

Điều tối quan trọng khi đi phỏng vấn là bạn phải tìm hiểu rất kĩ về công ty, ngành bạn lựa chọn và lí do bạn chọn công ty cũng như ngành đó. Câu trả lời bạn đưa ra cần mang tính thuyết phục và là của riêng bạn, tất cả những lí do chung chung sẽ không để lại ấn tượng gì và nhiều khả năng bị loại.

Gần như chắc chắn bạn sẽ được yêu cầu trình bày hiểu biết của mình về một vấn đề trong ngành mà bạn quan tâm, ví dụ như bạn nghĩ gì về sự phá sản của Lehman Brothers (một ngân hàng đầu tư lớn nhất thế giới, trụ sở lớn thứ 6 ở Wall Street – trung tâm tài chính của Mỹ và thế giới, phá sản năm 2008) hay bạn có đánh giá gì về việc giá dầu đang tăng/giảm.

Những câu hỏi loại này tuy khó nhưng lại là cơ hội tốt nhất để bạn thể hiện những hiểu biết và suy nghĩ của cá nhân bạn. Những câu trả lời tốt, mang dấu ấn cá nhân sẽ để lại ấn tượng rất mạnh với nhà tuyển dụng. Sự chuẩn bị kiến thức cho buổi phỏng vấn không thể chỉ diễn ra trong một hai ngày mà phải là một quá trình dài tích lũy.

Vì thế, ngay từ khi bắt đầu quá trình xin việc, bạn cần tìm đọc sách báo chuyên ngành để nắm vững những sự kiện đang diễn ra hàng ngày. Đối với ngành tài chính ở London, hai tờ báo không thể thiếu là Financial Times và The Economist. Ngoài cung cấp thông tin, hai tờ báo này còn thường xuyên có những đánh giá và phân tích rất sắc sảo về thị trường tài chính thế giới, và bạn hoàn toàn có thể biến chúng thành “của riêng mình” trong cuộc phỏng vấn.

2. Yếu tố bất ngờ trong phỏng vấn

Một điều nên chú ý là yếu tố bất ngờ rất hay được sử dụng trong buổi phỏng vấn và chúng được xem là cách tốt nhất để kiểm tra ứng biến và trí tuệ của bạn. Yếu tố bất ngờ này được thể hiện qua những câu hỏi rất “ngoài lề”. Ví dụ khi bạn đang diễn giải về cuộc khủng hoảng kinh tế, người phỏng vấn sẽ đột ngột hỏi: “Tỉ giá hối đoái giữa đồng Bảng Anh và đồng Đô-la Mĩ hiện nay là bao nhiêu?” hoặc “Chỉ số FTSE 100 của thị trường Chứng Khoán London cuối ngày hôm qua như thế nào?”. Khó hơn nữa là những câu hỏi thuộc dạng brain-teaser (Cân não), đòi hỏi bạn phải có sự sắc sảo trong suy nghĩ.

Một số câu hỏi dạng này mà bản thân người viết đã gặp trong buổi phỏng vấn của mình là: “Trong một giờ đồng hồ có bao nhiêu hành khách hạ cánh xuống sân bay Heathrow?”, “Tại sao miệng nắp cống có hình tròn?” hay “Khi đồng hồ chỉ 3 giờ 15 phút thì kim phút và kim giờ tạo thành góc bao nhiêu độ?” (Người viết gợi ý: không phải là 0 độ).

Nhà tuyển dụng luôn nhấn mạnh rằng những câu hỏi loại này là không thể chuẩn bị trước và chúng chỉ có ý nghĩa khi bạn bị hỏi bất ngờ. Tuy nhiên, với kinh nghiệm cá nhân của người viết thì bạn hoàn toàn có thể có những chuẩn bị nhất định. Các công cụ tìm kiếm như Google là một phụ tá đắc lực, ngoài ra các Forum (diễn đàn) trực tuyến về việc làm thường xuyên có những chủ đề chia sẻ kinh nghiệm về các câu hỏi brain-teaser thường gặp.

3. Ngày tuyển dụng đầy thử thách

Nếu bạn thành công ở vòng Interview, bạn sẽ được mời dự Assessment Centre (Ngày Tuyển Dụng). Assessment Centre kéo dài trọn một ngày và bạn sẽ có cơ hội để tiếp xúc, trò chuyện cũng như thi đấu với các thí sinh khác. Một Assessment Centre phổ biến thường bao gồm từ 4 đến 5 nội dung như: trắc nghiệm – bạn được yêu cầu thực hiện tính toán, phân tích các dữ liệu tài chính mà không có sự hỗ trợ của máy tính; phỏng vấn – có thêm từ 2 đến 3 người nữa làm trong bộ phận bạn đã chọn phỏng vấn bạn; tình huống giả định – các thí sinh được chia thành nhiều nhóm và được yêu cầu giải quyết một tình huống giả định về công việc hàng ngày; và diễn thuyết trước đám đông.

Với những người dự Assessment Centre lần đầu tiên, tình huống giả định (Role play) là một thử thách rất lớn. Không có một khuôn mẫu chung nào cho các loại tình huống này và chúng sẽ rất khác biệt tùy theo ngành và bộ phận bạn lựa chọn. Nếu như bạn xin làm Sales (Bán hàng), nhiều khả năng người tuyển dụng sẽ đóng vai trò khách hàng và nhóm của bạn sẽ được yêu cầu chào hàng một sản phẩm nào đó.

Nếu bạn xin làm Kiểm Toán, nhà tuyển dụng có thể đưa cho bạn một máy tính cá nhân với hơn 30 e-mail chưa đọc, và bạn cần giải quyết chúng trong 1 tiếng đồng hồ. Nếu bạn xin làm Trader (Môi giới chứng khoán), bạn có thể được cấp 1 triệu Đô-la ảo và yêu cầu thực hiện các lệnh mua bán trong vòng 1 tiếng đồng hồ, kết quả lỗ lãi sẽ là thước đo đánh giá khả năng của bạn. Tình huống giả định là muôn hình vạn trạng, và cách duy nhất để chuẩn bị là hỏi han kinh nghiệm của những người đã từng trải qua nó. Một lần nữa, Google và các Forum sẽ vô cùng hữu ích.

Ngoại trừ những người có bản năng lãnh đạo từ bé, diễn thuyết trước đám đông là một yêu cầu khó khăn đối với phần lớn chúng ta. Đôi khi nhà tuyển dụng cho bạn biết trước chủ đề nhưng trường hợp này rất hiếm. Cũng như tình huống giả định, chủ đề diễn thuyết là nhiều vô kể và khó có thể chuẩn bị trước được. Người viết từng được cấp một bản báo cáo dài hơn 20 trang về một công ty giả định và sau 25 phút chuẩn bị thì được yêu cầu trình bày những phương hướng, kế hoạch để giúp công ty đó phát triển.

Interview và Assessment Centre có tính quyết định đối với việc bạn có được nhận vào làm hay không, vì vậy khó có thể nói hết tầm quan trọng của chúng. Người Anh có một câu nói rằng: If you fail to prepare, prepare to fail (Nếu thất bại trong chuẩn bị thì hãy chuẩn bị để thất bại). Không có gì đúng hơn trong trường hợp này!

Về đích

Các công ty ở London sẽ phản hồi kết quả rất nhanh chóng, nếu thành công thì thường chỉ 1 đến 2 ngày sau bạn sẽ nhận được điện thoại báo tin. Hợp đồng sẽ ngay tức khắc được gửi đến cho bạn qua đường bưu điện, điều cực kì quan trọng là đọc hợp đồng cho thật kĩ bởi tất cả các điều khoản, ràng buộc, yêu cầu và mức thưởng đều có trên đó. Bạn đã trải qua nhiều tháng kiếm việc căng thẳng và mệt mỏi, vậy thì cũng nên dành thêm 2 tiếng đồng hồ để biết chắc những gì đang chờ đợi mình ở phía trước để có thể tránh đi những bất ngờ không mấy thú vị.

Lời kết

Xin việc ở London, đặc biệt trong ngành tài chính, là một con đường dài với nhiều thử thách. Tuy nhiên, dù thất bại hay thành công, bạn cũng sẽ tích lũy được thêm rất nhiều kinh nghiệm và kiến thức đáng quí. Điều tối quan trọng là không được nản chí, bởi cơ hội luôn chia đều cho mỗi người.

Xem thêm: http://inthiepcuoi.com/thong-tin-tieu-dung.html

Xem thêm: Cẩm nang tiêu dùng

Tags: kiếm việc, tìm việc, tìm việc làm, việc làm, phỏng vấn kiếm việc, xin việc london, việc làm Anh, tuyển dụng thử thách
KiemViec.net / Phỏng vấn kiếm việc
Tags: kiếm việc, tìm việc, tìm việc làm, việc làm, phỏng vấn kiếm việc, xin việc london, việc làm Anh, tuyển dụng thử thách
KiemViec.net / Phỏng vấn kiếm việc