Nghề biên tập viên sách - và những trăn trở

Thứ Sáu, 10/07/2015, 16:59 GMT+7

nghề biên tập viên sách

Chừng 15 năm trở về trước, cụm từ "biên tập viên sách" thật sang trọng, là mơ ước vươn tới của bao nhiêu cử nhân chuyên ngành văn học, ngôn ngữ, ngoại ngữ, báo chí, xuất bản. Hầu hết trong số họ đều tự hào và yêu nghề biên tập của mình. Dăm năm lại đây, cùng với sự ra đời của nhiều nhà sách tư nhân, đội ngũ biên tập ngày càng nhiều. Các bạn trẻ ra trường không quá khó để xin được vào vị trí biên tập viên. Tuy nhiên sau một thời gian làm việc, nhiều người đã lặng lẽ bỏ nghề hoặc có tiếp tục ở lại thì niềm hứng thú ban đầu cũng nhạt phai dần theo năm tháng...

Áp lực công việc
Trong vòng vài tháng, NXB Phụ nữ chứng kiến sự ra đi của ba biên tập viên (BTV). Ðiều đáng nói, trong đó có hai trường hợp đã công tác hơn mười năm, là những người yêu công việc làm sách và từng nghĩ sẽ gắn bó cả cuộc đời đi làm cho việc biên tập sách.
Vậy sao đứt gánh giữa đường? "Chúng tôi thấy gần như kiệt sức khi hoàn thành một cuốn sách. Phải lo từ khâu khai thác đề tài, khai thác bản quyền, biên tập nội dung, cùng tham gia ý tưởng ma-két, làm bìa, viết thông cáo báo chí, quảng bá (PR)... ", một BTV phát biểu trong một cuộc họp cơ quan.
Ðể một cuốn sách đến tay bạn đọc, BTV phải làm việc quá nhiều. Ðòi hỏi mỗi người phải phát huy hết năng lực giao tiếp, năng lực chuyên môn, thời gian, sức khỏe. "Bắt tay vào xử lý một bản thảo tôi thấy áp lực, lo lắng hơn cả làm một cuốn luận văn"- TH - một biên tập viên nay đã nghỉ việc chia sẻ - "Trí não tôi phải làm việc ngay từ khi đề tài chưa xuất hiện cho đến khi cuốn sách mang đi phát hành. Thuyết phục cấp trên duyệt đề tài. Thuyết phục tác giả thực hiện đề tài. Trong quá trình đó cùng trao đổi, thương lượng với tác giả về từng bước nhỏ trong nội dung, cả vấn đề nhuận bút, số lượng in. Sau nữa, nhẹ thì bàn bạc, nặng nề hơn thì xung đột với bộ phận ma-két sách, thiết kế bìa, in ấn để đi đến một sự thống nhất về ý tưởng... Sách ra vẫn chưa thể thở phào. Phải chuẩn bị tinh thần cho hai tình huống xấu có thể xảy ra. Thứ nhất, bất ngờ bị Cục Xuất bản nhắc nhở, thổi còi vì phát hiện ra cái lỗi nhạy cảm nào đó - thường gặp với sách văn học. Khi đó phải cùng với Ban Giám đốc giải trình, sửa chữa lỗi sai. Trường hợp nặng, sách sẽ cấm phát hành hoặc đã phát hành rồi bị thu hồi. BTV phải bỏ tiền túi ra sửa chữa, nếu lỗi đó do người biên tập gây ra; mặc cảm vì làm liên lụy đến các bộ phận khác; làm mất niềm tin với cấp trên; và quan trọng hơn, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín Nhà xuất bản. Thứ hai, sách in ra không bán được hoặc bán được rất ít. Không phải chịu trách nhiệm tài chính trong việc sách ế, cũng chưa kết luận được sách không tiêu thụ được là do đâu, nhưng biên tập cuốn sách đó mình vô cùng ái ngại. Buồn vì nhìn thấy sản phẩm mà mình tâm huyết, bỏ nhiều công sức không đem lại hiệu quả. Hào hứng làm việc giảm sút". TH tạm dừng lại để suy nghĩ chín chắn hơn về công việc, để xem mình có thể bước tiếp?
Khoảng cách giữa đòi hỏi công việc và thu nhập
Công việc BTV là vậy nhưng mức lương lại không đủ sống. Hay nói cách khác, giữa đòi hỏi của công việc với thu nhập là một khoảng cách rất xa. Ngoài mức lương nhận theo hệ số nhà nước, các nhà xuất bản có thêm một khoản tiền nữa gọi là hệ số kinh doanh. Cộng hai khoản đó lại, BTV vẫn không thể lo nổi các chi phí sinh hoạt ở mức sống bình thường. Quá là túng bấn với gia đình nào mà cả hai vợ chồng đều làm nghề biên tập.
So với các nhà xuất bản như Thanh niên, Văn hóa thông tin, và nhất là NXB Văn học..., chủ yếu kiếm thu nhập trong việc cấp giấy phép cho các nhà sách tư nhân - thì NXB Phụ nữ vẫn là chỗ làm lý tưởng. Ở đây, BTV được trả lương đều đặn, không phải lo ở khâu đầu ra (phát hành). MN - một BTV đang làm ở NXB Văn học cho biết, mỗi BTV ở nhà xuất bản cô đều giống như một nhà sách tư nhân. Tự mình lo từ đầu vào đến đầu ra. Hằng tháng nộp tiền cho cơ quan để được phát lương. Nếu không đòi được tiền bán giấy phép, BTV phải bỏ tiền túi ra nộp vào để đủ định mức doanh thu.
Ðể nuôi dưỡng tình yêu nghề BTV, cô cố xoay xở bằng nhiều cách khác. Nghe ngóng, tìm cơ hội đầu quân cho một số đơn vị làm sách có thu nhập tốt hơn mặt bằng chung. Cơ hội này xem ra khó lắm, vì BTV đông mà nhu cầu biên tập ở nhà xuất bản làm ăn tốt có hạn.
Tương tự như vậy, Nguyễn T. - biên tập viên NXB Văn hóa thông tin đành bám vào vài nhà sách tư nhân, làm khâu trung gian - "môi giới" bản thảo. Hoàng H. vừa cố giữ chân BTV, vừa viết báo tự do. QL, một mặt không bỏ nghề biên tập, một mặt cùng bạn mở trang web kiếm các hợp đồng quảng cáo. Hương G. mở cửa hàng kinh doanh, thuê một nhóm sinh viên mới ra trường "chế biến" lại từ các cuốn sách đã xuất bản thành những cuốn sách nuôi dạy con, chữa bệnh, nấu ăn dưới dạng sưu tầm, biên soạn, bán rẻ cho nhà sách tư nhân kiếm đủ định mức đầu sách, doanh thu nộp cơ quan, v.v.
Trên đây chính là một trong những câu trả lời vì sao sách xuất bản ngày càng nhiều nhưng tìm một cuốn hay vô cùng khó, đa số chỉ bình bình. Ở các cửa hàng sách tư nhân tràn lan những cuốn sách ra đời dễ dãi, nội dung không chuẩn xác, nhiều lỗi... gây khó khăn cho người chọn sách, gây ra một tình trạng sách nhiễu loạn. BTV tự trọng nghề nghiệp cao, có phần bảo thủ thì trăn trở vậy nhưng vẫn lặng thầm tìm niềm vui trong công việc mỗi ngày.
* Suy cho cùng, cái sự buồn chán nghề của các BTV xuất phát từ tình hình xuất bản sách khó khăn nói chung. Nhiều bạn mới vào nghề đối mặt với thực tế khó khăn của công việc và thu nhập đã chùn bước tìm một con đường khác. Cứ thế, BTV trẻ đến rồi đi. Nhưng những người cũ vẫn ở lại. Họ không còn lựa chọn nào khác, vì tình yêu sách, vì niềm tự hào nghề nghiệp. Và chỉ khi ai đó cực chẳng đã mới đành lòng bỏ cuộc.

Tags: nghề biên tập, biên tập viên, SEO, tuyển biên tập viên, nghề viết lách, nghề làm nội dung, nghề biên tập sách, nghề biên tập nội dung
KiemViec.net / Việc làm vui
No avatar
Đăng bởi minhthien
Tham gia 04/03/2015
Cấp độ Administrator
Bài viết 125/125
Tags: nghề biên tập, biên tập viên, SEO, tuyển biên tập viên, nghề viết lách, nghề làm nội dung, nghề biên tập sách, nghề biên tập nội dung
KiemViec.net / Việc làm vui