Chia sẻ kinh nghiệm khi đi làm từ thiện

Thứ Tư, 20/01/2016, 15:37 GMT+7

Những 'tuyệt chiêu' gây quỹ từ thiện mùa Trung thu

Có hàng trăm cách để các sinh viên có thể gây quỹ cho những chuyến đi thiện nguyện như thế này.

1/ Làm đồ handmade

Ý tưởng làm những món đồ dễ thương này là của nhóm sinh viên lớp Y2012C - Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Nhiều ngày nay, hơn 30 sinh viên tập hợp lại ở góc hành lang của trường, cùng làm nên những món đồ thủ công đem bán.

Chia sẻ kinh nghiệm khi đi làm từ thiện 1

Dưới những bàn tay khéo léo và chăm chỉ của các bạn trẻ, hàng loạt sản phẩm dễ thương đã ra đời như: Bao đựng thẻ sinh viên - nhân viên, thú nhồi bông, đồ dùng trang trí góc học tập, vòng đeo tay, móc khóa xinh xắn…

Bạn Hoàng Sơn, một thành viên của lớp Y2012C, cho hay: Sau khi làm ra sản phẩm, các bạn vào những giảng đường hoặc đến một số điểm đông người để chào bán. Tất cả số tiền thu được đều phục vụ chương trình “Trăng tháng tám” (đêm 18/9) dành cho những thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn ở khu dân cư lao động thuộc P.10, Q.8, TP.HCM.

Ngoài ra, các hoạt động như làm đèn lồng, làm đèn ông sao cũng được nhiều nhóm TNV thực hiện để tặng cho các trẻ em nghèo.

2/ Quyên góp ve chai

Đối với nhiều nhóm, CLB tình nguyện, thì hoạt động gây quỹ đơn giản mà hiệu quả chính là việc quyên góp ve chai. Đó cũng chính là ý tưởng của Đội CTXH Thanh Niên (Huế) tổ chức. Với mong muốn mang đến một Trung thu ấm áp cho những người có hoàn cảnh kém may mắn, các tình nguyện viên của Đội đã đi tới từng gia đình trên địa bàn thành phố Huế, thu lượm những vật dụng cũ, đem bán gây quỹ từ thiện. Hoạt động này của các bạn trẻ đã được những người dân hưởng ứng nhiệt tình.

Chia sẻ kinh nghiệm khi đi làm từ thiện 2

Cùng chung ý tưởng, CLB Nhân Ái (chi nhánh Đà Nẵng) đã thực hiện công việc quyên góp ve chai. Chia sẻ về hoạt động này, bạn Nguyễn Phạm Hữu Tiến cho biết: “Lúc đầu tham gia thì nghĩ với việc làm nhỏ nhoi của mình sẽ mang đến niềm vui cho các em khuyết tật nhân dịp Trung thu, nhưng khi tham gia và đi hết buổi quyên góp thì mình cảm giác như đang sống giữa một gia đình vậy, mình rất vui và hạnh phúc!”.

Còn về phía chủ nhiệm CLB - Bạn Dương Thị Mừng hồ hởi: “Đến quyên góp tại địa bàn Hòa Cường Bắc, người dân ai nấy đều hồ hởi và sẵn sang quyên góp và ủng hộ… Mang lại niềm vui cho các thành viên khi tham gia. Hi vọng hoạt động gây quỹ bằng cách thu gom ve chai này sẽ tiến triển tốt hơn trong thời gian sắp tới”.

3/ Làm bánh tặng người nghèo

Hoạt động này tuy không mang lại khoản quỹ cho những người nghèo, nhưng mang lại những món quà vô cùng thiết thực cho những người nghèo trong mùa Trung thu. Làm những chiếc bánh Trung thu chính là hoạt động vô cùng ý nghĩa, đơn giản mà mỗi TNV có thể học tập.

Chia sẻ kinh nghiệm khi đi làm từ thiện 3

Mỗi mùa Trung thu đến, nhà cô Cao Thị Oanh (Gò Vấp) tràn ngập không khí rộn ràng. Mùi bánh nướng tỏa thơm cả khu phố. Đã gần 8 năm nay, mỗi dịp Trung thu cô đều chuẩn bị dụng cụ, nguyên liệu để làm bánh tặng cho người nghèo và trẻ em mồ côi cơ nhỡ.

Số lượng bánh mỗi năm tại nhà cô Oanh lại tăng dần, năm đầu tiên chỉ khoảng 400 cái, đến năm nay đã lên đến con số gần 5.000 cái. Tất cả chi phí làm bánh đều do cô Oanh bỏ tiền ra mà không huy động từ bất kỳ nguồn quỹ xã hội nào khác.

Có không ít cách để gây quỹ từ thiện dành cho những người có hoàn cảnh không may mắn trong xã hội. Nhiệt tình với những hoạt động thiện nguyện này, cũng chứng tỏ tình cảm và tấm lòng của các bạn dành cho những người nghèo trong cuộc sống.

>> Xem thêm: Đồ từ thiện

Kinh nghiệm phát quà từ thiện

Việc chuẩn bị phát quà cho có thể có nhiều khâu khác nhau nhưng Dotuthien.com xin mạn phép được chia làm bốn phần chính: lên kế hoạch tác chiến, trước khi xuất quân, trong khi xuất quân và hậu xuất quân.

1/ Lên kế hoạch tác chiến

Để có thể chuẩn bị cho một buổi phát quà và ban đêm thì dĩ nhiên cái mà các bạn cần nhất chính là QUÀ. Quà ở đây gồm nhiều loại khác nhau nhưng phù hợp nhất thì chỉ có một số loại như sau: mền, áo khoát, đồ ăn và nhiều thành phần khác (áo quần, giày dép...). Những loại đó là những thứ dễ phân loại và dễ tặng nhất và nên cần ưu tiên. Quần áo và giày dép thì cũng có thể chấp nhận được nhưng lúc phân chia hơi mất thời gian.

Chia sẻ kinh nghiệm khi đi làm từ thiện 4

Để có thể thu thập quà thì các bạn có thể sử dụng những nguồn sau: bạn bè, gia đình, báo chí và các mạng xã hội (Facebook, Zing...). Đối với những hội có tổ chức tốt như Ngày Hạnh Phúc hoặc Hội Những Bạn Trẻ Yêu Thiện Nguyện thì họ có những chương trình, kế hoạch cụ thể và thậm chí có cả người nổi tiếng làm đại sứ. Quá trình kêu gọi quyên góp của họ sẽ được nhiều người chú ý và ít gặp khó khăn trong quá trình thu thập quà tặng lẫn tìm kiếm thiện nguyện viên. Còn đối với những nhóm đơn lẻ hay tự phát thì số lượng quà sẽ ít hơn và thời gian thu thập cũng lâu hơn. 

2/ Trước khi xuất quân

Để có một buổi đi phát quà hiệu quả thì trước khi đi phát cần phải họp nhóm để thu thập ý kiến đóp góp và phụ giúp phân chia quà. Quá trình thu thập ý kiến và kinh nghiệm của tất cả các thành viên nhằm tổng hợp lại để có thể có được một buổi ra quân hợp lý. Ngoài ra, quá trình phân chia quà cũng rất quan trọng - giúp tiết kiệm thời gian trong khi phát quà.

Ví dụ: quà nên được phân chia sẵn thành từng gói (bịch) nhỏ, mỗi gói là dành một người. Nếu có nhiều loại khác nhau thì mỗi xe sẽ mang theo một loại: đồ trẻ em, đồ nữ và đồ nam. Khi gặp đối tượng phù hợp thì thành viên tương ứng sẽ chạy xuống phát quà và quay lại nhanh chóng trong vòng...năm nốt nhạc để có thể tiếp tục hành trình.

Một điều lưu ý nữa trước khi xuất quân là các bạn phải đi khảo sát trước tình hình mà cụ thể là lộ trình đi để có thể phân chia một cách hợp lý. Cách tốt nhất là khi các bạn đi học hay đi làm về để ý xem khu vực của mình thường xuyên có người vô gia ở đâu và ghi nhận lại.

Tiếp theo là phân chia thành những nhóm nhỏ gồm trưởng nhóm và các thành viên, phụ trách theo từng khu vực của mình, tốt hơn hết là gần khu vực mình đang sống. Mỗi nhóm từ bốn đến năm xe là vừa, tránh tình trạng kéo quân rầm rộ làm...cản trở giao thông và áp đảo tinh thần người nhận. Ngoài ra là thời gian phát quà hơi khuya nên các bạn cần đảm bảo sự an toàn nhất cho bản thân và định sẵn thời gian để có thể quay về nhà nguyên vẹn.

Còn bây giờ thì chỉ cần đợi tới ngày xuất quân mà thôi.

3/ Trong khi xuất quân

Quá trình xuất quân thì cũng không có gì nhiều vì chúng ta đã họp và thống nhất ý kiến với nhau từ lúc chuẩn bị. Tuy nhiên cũng cần có một số điểm lưu ý như:

Chia sẻ kinh nghiệm khi đi làm từ thiện 5

  • Lúc tặng quà phải cúi xuống ngang tầm mắt với người nhận để họ cảm thấy mình được tôn trọng
  • Những ai đã ngủ rồi thì không nên lôi đầu dậy, rất có thể sẽ bị ăn...đấm
  • Chạy xe với tốc độ chậm và tuân thủ luật giao thông để tầm soát mục tiêu và giữ lạc trong nhóm
  • Tuân thủ sự hướng dẫn của trưởng nhóm, không tự động làm loạn hay đánh lẻ vì sẽ không đảm bảo an toàn cho bản thân trong đêm đen
  • Mỗi nhóm cần có một hoa tiêu phía trước để tìm kiếm mục tiêu thích hợp và đảm bảo lộ trình đi
  • Dẹp bỏ tự ái cá nhân, theo tập thể, và chỉ bàn luận vấn đề chứ không bàn luận con người
  • Không có gì quí giá bằng an toàn của bản thân, các bạn nên nhớ kĩ điều này

4/ Hậu xuất quân

Cũng như tất cả hoạt động khác, sau khi thực hiện xong thì chúng ta cần họp những thành viên chủ chốt lại để rút kinh nghiệm và nói ra những điểm cần sửa chữa và ghi nhận để cho lần ra quân lần sau được nhanh chóng và hợp lý hơn.

Ngoài ra, đây cũng là thời gian cho các bạn làm quen cũng như gắn kết các thành viên lại với nhau. Để cho chúng ta thấy là ngoài chăm lo cho những người khác chúng ta còn chăm về mặt tinh thần lẫn vật chất có các bạn.

Tuy nhiên, tất cả cũng phải dựa trên tinh thần tự nguyện là chính. Các bạn thấy thích hợp thì các bạn tham gia và không có bất cứ ràng buộc nào ngoài tinh thần trách nhiệm của các bạn trong khi làm công việc thiện nguyện.

Nguồn: http://dotuthien.com/chia-se-kinh-nghiem-khi-di-lam-tu-thien-100.html

Tags: Quyên góp từ thiện, Làm từ thiện và những điều cần biết, Làm từ thiện, Làm từ thiện đúng cách, Làm từ thiện hiệu quả, Chia sẻ kinh nghiệm khi đi làm từ thiện, kinh nghiệm khi đi làm từ thiện
KiemViec.net / Chọn mua hàng
Tags: Quyên góp từ thiện, Làm từ thiện và những điều cần biết, Làm từ thiện, Làm từ thiện đúng cách, Làm từ thiện hiệu quả, Chia sẻ kinh nghiệm khi đi làm từ thiện, kinh nghiệm khi đi làm từ thiện
KiemViec.net / Chọn mua hàng