Những sai lầm khi đi phỏng vấn xin việc

Thứ Tư, 16/12/2015, 18:24 GMT+7

Làm thế nào để hạn chế nguy cơ mắc lỗi trong buổi phỏng vấn? Đó là câu hỏi được khá nhiều ứng viên thắc mắc và mong có lời giải đáp để buổi phỏng vấn được hoàn hảo hơn. Dưới đây là một số những sai lầm mà ứng viên thường mắc phải trong buổi phỏng vấn nhất.

1.Lỗi diễn đạt

Đây là lỗi mà nhiều người gặp phải nhất trong quá trình phỏng vấn. Người thì ấp úng ậm ừ không ra tiếng, người lại nói quá nhanh. Một số thì nói cộc lốc, thiếu chủ ngữ vị ngữ hoặc số khác nói quá lan man, không rõ vấn đề, không tập trung vào câu hỏi của nhà tuyển dụng... Không phải ai sinh ra cũng có thể nói chuyện lưu loát. Tuy nhiên, nếu chúng ta chuẩn bị trước, lường trước những tình huống trong buổi phỏng vấn thì khả năng diễn đạt sẽ được cải thiện hơn.

Những sai lầm khi đi phỏng vấn xin việc

Ngoài ra, khi phỏng vấn, chúng ta vẫn có quyền suy nghĩ. Việc xin phép nhà tuyển dụng 1 phút, 2 phút để suy nghĩ cho câu trả lời sẽ giúp bạn không chỉ cải thiện vốn từ, ghép câu chính xác, xác định nội dung câu trả lời mà còn giúp bạn lấy lại tinh thần. Điều này sẽ tránh được tối đa các lỗi trong quá trình diễn đạt.

2.Lỗi quan điểm

Dẫu biết rằng, mỗi người sẽ có một quan điểm riêng của mình khi giải quyết một vấn đề. Tuy nhiên, nhiều nhà tuyển dụng không chấp nhận nổi những ứng viên có lập trường quá mạnh, đến mức có thể nói là khoe khoang. Theo quan điểm của những ứng viên này thì “cái gì cũng biết” hoặc là ở công ty cũ họ là một người quan trọng, nắm giữ chức vụ cao… Đôi khi cái tôi của họ quá lớn. Họ cố thể hiện cho nhà tuyển dụng thấy rằng “Hãy thuê tôi đi và tôi chắc chắc sẽ mang lại lợi nhuận cho anh rất nhiều”. Với những cá tính quá mạnh như thế, nhà tuyển dụng sợ sẽ khó quản lý, khó để họ nghe theo chỉ thị của mình. Ngược lại nếu quá nhút nhát, quá rụt rè, không thể hiện ưu điểm gì trong buổi phỏng vấn thì nhà tuyển dụng cũng sẽ cảm thấy tẻ nhạt. Và bạn lại mất điểm.

3.Lỗi ứng xử

Nguyên nhân của lỗi này là do việc thiếu ý thức cộng đồng, không hiểu một số phép lịch sự cơ bản. Nhiều nhà tuyển dụng không hài lòng về việc ứng viên đi trễ. Đáng nói hơn, nhiều ứng viên còn hết sức bình tĩnh nghe điện thoại khi đang trong quá trình phỏng vấn hoặc quên không tắt nguồn, quên đặt chế độ “im lặng”. Điều này sẽ rất khó để nhà tuyển dụng thông cảm cho bạn.

4.Lỗi ăn mặc

Phong cách ăn mặc cũng được các nhà tuyển dụng soi xét nghiêm. Nhiều ứng viên không chú ý đến vẻ bề ngoài mà luôn nghĩ rằng kiến thức và kinh nghiệm mới là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, ăn mặc quá nhếch nhác hay mặc quá lố, người xăm trổ… cũng đều gây mất thiện cảm. Tốt nhất, bạn nên chọn trang phục công sở. Nam quần tây áo sơ mi, đóng thùng và mang giày lịch sự. Nữ tốt nhất nên mặc váy, kết hợp sơ mi, giày cao gót và có trang điểm nhẹ.

5.Lỗi thiếu trung thực

Nhà tuyển dụng ghét nhất là sự lừa dối. Bạn không nên quá khoa trương. Trung thực luôn là điều tốt nhất. Nhiều nhà tuyển dụng, nhất là công ty Nhật họ thường đánh giá cao các ứng viên thành thực. Họ sẵn sàng đào tạo nếu bạn không biết nhưng họ không chấp nhận bạn là người giả dối. Tuy nhiên thẳng thắng quá cũng không tốt. Vì không ai muốn tuyển phải người thiếu tự tin và kém cỏi. Vì vậy bạn nên biết cách “phóng đại hóa” sự hiểu biết cho phù hợp với trình độ của mình.

6.Không tìm hiểu về công ty phỏng vấn

Đi phỏng vấn mà không có bất cứ thông tin gì về công ty mình đang phỏng vấn cũng giống như việc bạn đi cày mà không biết cách dùng cày vậy. Nhà tuyển dụng sẽ có ít nhất một câu để thử xem bạn có hiểu về công ty của họ hay không. Việc bạn không tìm hiểu trước các thông tin, sẽ làm nhà tuyển dụng thất vọng và cảm giác bạn không xem trọng buổi phỏng vấn.

7.Không đặt câu hỏi sau buổi phỏng vấn

Việc đặt câu hỏi không chỉ giúp bạn giải đáp các khúc mắc của bản thân mà còn là cách giúp nhà tuyển dụng thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến công việc và công ty họ. Có khá nhiều ứng viên sau buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng muốn nghe ý kiến hoặc thắc mắc của họ cho công việc nhưng ứng viên lại “câm như hến” vì không biết gì để hỏi. Nếu thật sự đã hiểu hết vấn đề và không còn gì để hỏi, bạn cũng nên tìm một thắc mắc nhỏ nào đó trong cơ chế, hình thức làm việc của công ty để hỏi lại nhà tuyển dụng.

8.Nói xấu công ty cũ

Đây là điều cấm kị nhất khi phỏng vấn. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá rằng, bạn đã nói xấu công ty cũ nghĩa là bạn cũng sẽ nói xấu công ty họ nếu sau này bạn chuyển việc. Họ sẽ đánh giá ngay về tính cách của bạn và sẽ không muốn tuyển dụng một người như thế.

Tags: Phỏng vấn kiếm việc
KiemViec.net / Phỏng vấn kiếm việc / Cẩm nang kiếm việc
Tags: Phỏng vấn kiếm việc
KiemViec.net / Phỏng vấn kiếm việc / Cẩm nang kiếm việc