Xin việc ngoài chuyên môn, cần chuẩn bị gì?

Thứ Sáu, 17/04/2015, 13:29 GMT+7

Hồi cuối năm 2011, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thống kê tỷ lệ sinh viên ra trường làm trái ngành là 60%, cả nước chỉ khoảng 20/98 trường Đại học có sinh viên làm việc đúng chuyên ngành đào tạo sau khi tốt nghiệp. Quả thật, trong thời buổi kinh tế khó khăn và môi trường cạnh tranh nghề nghiệp như hiện nay, kiếm được một công việc đúng chuyên ngành không hề dễ dàng gì. Chính vì vậy, thử sức mình ở các lĩnh vực khác ngoài chuyên môn là điều khó tránh khỏi và đôi khi cũng là một sự lựa chọn có lợi đối với người tìm việc.

 

Ông Dương Hữu Quang – Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông chương trình Cử nhân trực tuyến Topica vốn tốt nghiệp thạc sĩ ngành Điện tử nhưng hiện tại lại làm việc chuyên về PR ở lĩnh vực giáo dục. Ông còn cho biết ở Topica cũng có không ít trường hợp “tréo ngoe”: Giám đốc kỹ thuật thì học Luật, Giám đốc chương trình kĩ sư tin học thì học Quản trị kinh doanh… Hay ông Nguyễn Minh Triết – chuyên gia marketing xuất sắc - giám đốc Strategy Asia Group cũng từng là sinh viên chuyên ngành nghiên cứu hóa dầu của ĐH Bách khoa TP. HCM. Hoặc rất nhiều những trường hợp tốt nghiệp ngành kỹ sư tin học, sư phạm, ngoại ngữ… nhưng lại gắn bó với sự nghiệp quảng cáo, PR, thương mại.v.v… Vậy thì, nếu thật sự muốn tìm kiếm một công việc ngoài chuyên môn, chúng ta cần phải chuẩn bị những gì?

 

Tập trung vào các kĩ năng đã có

Khi quyết định xin một công việc mới nằm ngoài chuyên ngành, bạn hãy tập trung đầu tư tối đa vào các kĩ năng và kinh nghiệm mà mình đã có để viết vào CV cho nhà tuyển dụng. Đừng chỉ nhìn sơ qua các công việc cũ và vội vàng kết luận rằng những kinh nghiệm đó không hề liên quan chút gì với công việc mà bạn đang mong muốn. Chẳng hạn như bạn có nhiều mối quan hệ hữu ích nhờ những năm học đại học hay những lần đi du lịch, bạn có khả năng đào tạo nhân viên mới, bạn có thể sử dụng thành thạo nhiều phần mềm vi tính… Vậy thì hãy tận dụng tối đa những kĩ năng đó, chúng sẽ giúp ích rất nhiều cho phần khởi đầu của bạn.

 

Đừng để cái tôi lấn át thành công

Phải chấp nhận một thực tế rằng bạn đang tìm một công việc trái ngành. Dù bạn có là thủ khoa hay cầm trên tay một tấm bằng tốt nghiệp đại học loại giỏi thì cũng hãy tạm gác niềm kiêu hãnh ấy sang một bên. Vì lần này, bạn đang dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ. Và dĩ nhiên là vẫn còn non yếu kinh nghiệm rất nhiều so với những “lão làng” đi trước. Chính vì vậy, đừng vội vàng đặt tham vọng quá cao mà hãy chấp nhận một chức vụ thấp hơn mong đợi để rèn luyện và trau dồi kĩ năng chuyên môn dần dần từng bước một.

 

Chăm chút vào thư xin việc gửi nhà tuyển dụng

Dù là công ty hoặc nhà tuyển dụng nào thì họ cũng rất quan tâm đến CV của bạn. Hãy làm tốt khâu thể hiện bản thân về tất cả các kinh nghiệm và kĩ năng trong CV xin việc. Bằng cách này hay cách khác, nên chứng tỏ rằng bạn đã quan tâm và tìm hiểu rất kĩ về chiến lược, mục tiêu phát triển của công ty và bạn chính là ứng cử viên thích hợp nhất cho vị trí mà họ đang muốn tuyển dụng. Hãy tham khảo nhiều mẫu CV hay ở những trang web uy tín hoặc xin ý kiến của bạn bè – những người đã từng trải qua vấn đề tương tự.

 tìm việc

Cắt gọn, chỉnh sửa lại CV cũ

Bạn luôn chuẩn bị sẵn sàng một CV dành để xin việc? Đừng vội gửi cho nhà tuyển dụng. Bởi vì trong trường hợp xin một công việc trái ngành thì CV này đã “lỗi thời”, dù cho nó có bóng bẩy tới đâu. Hãy chỉnh sửa và thêm bớt những chi tiết cần thiết và phù hợp cho chức vụ ở công ty mới. Ví dụ như bạn đã từng là y tá nhưng đang nộp đơn vào một vị trí nhân viên ngân hàng, hãy tập trung nhấn mạnh về kỹ năng tổ chức và liên kết cá nhân. Nếu bạn từng làm lĩnh vực du lịch nhưng lại nộp đơn kiếm việc vào lĩnh vực quảng cáo, hãy nhấn mạnh với nhà tuyển dụng về các mối quan hệ xã hội rộng rãi của bạn…

 

Sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn

Phần lớn các công cuộc chuẩn bị của bạn là để phục vụ cho buổi phỏng vấn. Do đó, đừng để bao nhiêu công sức bị đổ sông đổ biển vì sơ suất trong cuộc gặp gỡ quyết định này với nhà tuyển dụng. Trong quá trình trao đổi, hãy thẳng thắn và chủ động để cuộc phỏng vấn luôn rơi vào đúng thế mạnh và kinh nghiệm mà bạn đã có trong quá khứ. Khi cần thiết, hãy đưa ra càng nhiều ví dụ cụ thể càng tốt. Nhà tuyển dụng thích sự chủ động, nhanh nhẹn và hơn cả là những minh chứng cụ thể về việc bạn có thể làm được những gì, có thể đáp ứng được tới đâu yêu cầu mà họ đưa ra. Ngay từ đầu, có lẽ không mấy ai mong muốn phải làm việc trái với chuyên môn của mình. Tuy nhiên, cũng đừng vì thế mà thu hẹp lại những lựa chọn đa dạng mà cuộc sống và môi trường lao động mang lại cho bạn. Nếu thích một lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, hãy mạnh dạn thử sức để xem khả năng của mình tới đâu. Ông Dean Borg – Giám đốc bán hàng toàn quốc BCI Asia Vietnam chia sẻ với người tìm việc: “Làm trái ngành không có gì là không được, vấn đề quan trọng là cần phải cho nhà tuyển dụng thấy được sự nhiệt tình và đam mê của mình”.

Tags: cẩm nang kiếm việc, kiếm việc, tìm việc, tìm việc làm, việc làm, phỏng vấn kiếm việc, chình sửa cv, xin việc ngoài chuyên môn
KiemViec.net / Cẩm nang kiếm việc
Tags: cẩm nang kiếm việc, kiếm việc, tìm việc, tìm việc làm, việc làm, phỏng vấn kiếm việc, chình sửa cv, xin việc ngoài chuyên môn
KiemViec.net / Cẩm nang kiếm việc