Sách báo là nguồn tư liệu luôn sẵn có vào lúc nào tham khảo cũng được. Nhưng khi tìm kiếm thông tin từ lời nói, cần phải nắm bắt được những câu nói thoáng qua.
1. Khó khăn
Mào đầu: khó mà ghi chép cho đúng. Chỉ có sự rèn luyện thường xuyên, cùng với việc tự phê bình và ý thức tự hoàn thiện mới giúp chúng ta làm tốt công việc này.
Chúng ta có tốc độ nói trung bình 150 từ/phút, trong khi chỉ có thể viết được 27 từ/phút. Xét về mặt sinh lý, chúng ta không thể ghi lại hết những gì nghe thấy. Vì vậy, cần có sự lựa chọn.
Trí tuệ của chúng ta phải tiến hành cùng lúc các hoạt động: nghe, hiểu, phân tích, lựa chọn, viết.
2. Ngữ cảnh ghi chép
Những ghi chép này sẽ dùng làm thông tin chính hay thông tin bổ sung hay chưa rõ mục đích? Ghi chép sẽ được dùng làm gì? Nó được dành cho ai? Sẽ phải viết một thông tin ngắn gọn hay một bài đầy đủ?
Ba tình huống thường hay xảy ra:
(1) Lời tuyên bố của một diễn giả: tham luận, diễn văn, hội nghị…
(2) Hội họp: nhiều người phát biểu, trao đổi.
(3) Trò chuyện hoặc phỏng vấn: hỏi và trả lời.
3. Chuẩn bị trước
Đừng coi nhẹ việc chuẩn bị các phương tiện làm việc cũng như về mặt kiến thức. Biết trước sẽ giúp chúng ta hiểu dễ dàng hơn và chú ý hơn. Hãy chuẩn bị ít nhất những gì bạn có được điểm mốc. Nếu đó là một cuộc tranh luận, hãy tìm hiểu thông tin về những nhân vật chủ chốt. Hãy đọc tất cả những tài liệu được nộp trước ngày khai mạc (chương trình, diễn văn, lời giới thiệu…). Xác định rõ mình muốn gì: muốn đào sâu mọi vấn đề hay chỉ một vài chủ đề. Ghi chép sẽ khác nhau.
4. Trong khi diễn ra cuộc phỏng vấn, hãy chú ý lắng nghe
Một số thông tin cần được ghi lại một cách chính xác: số liệu, tên riêng, ngày tháng… Ghi lại tất cả và xoá hết đi khi viết, còn hơn là bị thiếu đúng thông tin quan trọng. Trong trường hợp nghe thuyết trình về một chứng minh, hãy nghĩ đến việc ghi lại các bước lô-gíc. Không hiếm trường hợp sau này đọc lại mới thấy phép chứng minh đó bí hiểm vì thiếu một vài điểm bản lề.
Nếu bạn không nắm được mạch của một lập luận hoặc bỏ qua một thông tin quan trọng, đừng quên đánh dấu “điểm trắng” này bằng một dấu “?” ở bên lề hoặc bất kỳ dấu hiệu nào khác do bạn chọn, để giúp bạn nhớ rằng cần phải nhanh chóng lấp đầy lỗ hổng này.
Để ghi chép nhanh, cách nào cũng tốt cả: viết tắt, tốc ký. Mỗi người có một cách riêng. Tuy nhiên, cố gắng chỉ ghi những chữ có nghĩa. Đừng chép từng từ một.
5. Lập bảng hoặc ô chữ cho các ghi chép
Bảng giúp chúng ta đọc một cách nhanh chóng các dữ liệu. Chúng ta sẽ đưa vào đó thông tin cần nhớ, bằng cách liên kết chúng lại với nhau, từ đó sẽ xuất hiện sự tương đồng, những mâu thuẫn, hoặc sự phát triển.
6. Biết cách khai thác những gì ghi chép được
Sau một thời gian tương đối ngắn, cần phải đọc lại những ghi chép, làm sáng tỏ, hoàn thiện chúng, đánh dấu những điểm mấu chốt, thậm chí viết lại để cho bài viết được sáng sủa. Khi thời gian chưa quá lâu, trí nhớ giúp chúng ta sửa chữa một số thiếu sót, lập nên những mối quan hệ lô-gíc, trình bày chi tiết một ví dụ…
Nếu bạn không sử dụng đến những ghi chép để viết một bài, một nhận định…, chúng có thể trở thành không thể đọc và không thể hiểu được, nếu ngay sau khi ghi bạn không tìm cách làm sáng tỏ chúng.