Có hàng ngàn sự kiện, chứa đựng hàng ngàn thông tin, diễn ra mỗi ngày. Không một độc giả nào có thể theo dõi tất cả các sự kiện đó. Vì vậy, việc đầu tiên là họ sẽ lựa chọn chúng. Những sự kiện hấp dẫn, có liên quan gần gũi, được cho là cần thiết sẽ được quan tâm trước tiên. Điều này gọi là Luật xa gần, bao gồm các yếu tố liệt kê tiếp theo.
1. Tính thời sự
Người ta thường quan tâm tới những sự việc, sự kiện, tình huống diễn ra ở thời điểm hiện tại. Quá khứ cũng như tương lai không hấp dẫn bằng, ngoại trừ tương lai gần. Thứ tự ưu tiên là: hôm nay và ngày mai, rồi mới đến hôm qua, và cuối cùng là ngày kia và hôm kia.
Những nội dung chủ yếu cần đọc trong một bài báo (tít, sapo, mở đầu…) cần làm nổi bật thông tin về hiện tại hoặc tương lai cũng như kết quả của sự kiện. Cần tránh nói đến quá khứ trong tít. Bài báo cần bắt đầu bằng kết quả hoặc sự kiện hiện tại sau đó mới đề cập đến nguyên nhân, nguồn gốc. Nói cách khác, hãy đảo ngược trật tự thời gian.
2. Bản năng cơ bản
Tất cả những gì liên đến con người đều thu hút sự chú ý: bản năng sinh tồn, tình yêu, niềm vui sướng, cái chết, hận thù, bạo lực… Người viết cần cố gắng làm nổi bật trong bài báo của mình những khía cạnh sống động nhất, nhân văn nhất của sự kiện. Cái cụ thể cần được đặt trước cái trừu tượng, cái chính xác đặt trước cái chung chung. Những khía cạnh về con người cần phải được xuất hiện ngay trong tít. Mở đầu cần phải sống động, không giáo điều.
3. Khoảng cách địa lý
Người ta ai cũng có gốc gác từ một nơi nào đó: một thành phố, một vùng quê, một đất nước…. Ai cũng gắn bó sâu nặng với văn hoá địa phương nơi mình sinh ra, lớn lên và đang sinh sống. Vì vậy, độc giả thường quan tâm tới những gì gần gũi về mặt địa lý với họ: thành phố của họ, vùng của họ, đất nước của họ…. Thông tin càng xa thì càng ít gây chú ý, trừ một số trường hợp: họ có người thân đang sống ở vùng đó hoặc đất nước đó chẳng hạn.
Kết hợp hai yếu tố “bản năng cơ bản” và “khoảng cách địa lý”, ta sẽ được “luật kilomet chết”: đặt xuống hàng thứ yếu các sự kiện diễn ra ở xa cho dù có giật gân đến đâu, ưu tiên sự kiện ở khoảng cách gần và có tính gần gũi. Càng có nhiều người liên quan và sự kiện càng ở gần thì các phương tiện truyền thông càng nói đế nhiều và công chúng càng quan tâm.
4. Tính gần gũi về mặt xã hội-nghề nghiệp hay văn hoá-xã hội
Người ta luôn có nhu cầu thông tin về nghề nghiệp của bản thân hay tổ chức mà mình làm việc. Nhu cầu đó có tính chất tình cảm, nhưng đồng thời có tính chất công việc: người ta muốn có một tờ báo chuyên ngành hoặc những chuyên mục riêng mang lại thông tin cần thiết về nghề của họ, về sự nghiệp hay về cuộc sống của họ.
Mong muốn được gắn bó với một nhóm người về mặt văn hoá-xã hội cũng giống như mong muốn được ở trong một nhóm có chung sở thích. Phổ biến nhất là sự gắn kết qua tôn giáo và các đảng phái. Sau đó, phải kể đến công việc, giáo dục, đời sống gia đình, giải trí, các hiệp hội, chính trị, công đoàn…
Luật xa gần có ý nghĩa với tất cả những gì liên quan đến lo toan thường nhật: từ công việc bếp núc, chuyện học hành của con cái, đến quần áo hạ giá, ti vi, xe máy….