Một logic đơn giản: nhiều sợi chỉ nhỏ có thể bện thành quả bóng nhỏ, rồi qua ngày tháng quả bóng đó có thể to hơn. Vì thế việc nhặt nhạnh những sợi chỉ vương vãi đâu phải là điều vô ích (Nhưng chớ có so sánh việc nhặt nhạnh này với việc “nhặt lá đá ống bơ” của một anh chàng hơi leng keng nào đó).
Nhiều phóng viên viết bài theo kiểu đối phó đã đành, nhiều người khác do bận rộn, chạy đuổi theo hết sự kiện này đến sự kiện khác nên nhiều khi nghĩ ra một chủ đề mà không có thời gian viết hoặc chưa đủ thông tin để viết. Nhưng cơ hội để viết bài sẽ lớn hơn nếu bạn bắt đầu nhặt nhạnh.
Ví dụ bạn quan tâm đến vấn đề phần mềm nguồn mở, thấy rằng trên thế giới nó đang được cổ vũ mạnh mẽ và ở Việt Nam cũng bắt đầu được coi trọng nhưng vẫn phát triển ì ạch. Cách làm đơn giản nhất ra đặt một cái hộp trên bàn, dán nhãn “Mã nguồn mở”. Khi trở nên quan tâm đến một vấn đề thì tự nhiên bạn thấy nhiều điều xung quanh có liên quan, bắt đầu chú ý đến nhiều chi tiết. Rồi bạn sẽ đề cập đến chủ đề đó trong câu chuyện với đồng nghiệp hay bạn bè và được cung cấp thêm nhiều thông tin.
Ngày qua ngày, cái hộp sẽ đầy lên: một bản phân tích về sự phát triển của phần mềm nguồn mở trên thế giới, một bản quy định mới của Bộ Khoa học-Công nghệ về phát triển phần mềm nguồn mở, câu chuyện về một công ty đi theo hướng này với nhiều thất bại và thành công bước đầu, ý kiến của người này người kia trên báo tỏ ý bi quan hay cổ vũ. Vài tuần trôi qua, có khi vài tháng, và một ngày bạn sẽ bất ngờ khi thấy có rất nhiều thông tin trong tay. “Đã đến lúc viết rồi” – cái hộp sẽ thì thầm vào tai bạn.
Nên nhớ rằng quá trình phát triển câu chuyện có thể dài, và nhiều khi có vẻ không hiệu quả khiến bạn mất kiên nhẫn. Thủ thuật ở đây là “hãy trồng vài loại cây cùng một lúc trong vườn”. Trong khi chăm bón cây này thì có thể lại thu hoạch ở cây kia. Tất nhiên, để mấy cái hộp chình ình trên bàn với đủ loại nhãn – nào là “PDA và Smartphone”, nào là “Weblog và Báo chí”, rồi “Mực in”, “Kinh doanh PC”, v,v. – có thể khiến nhiều người thấy bất tiện và… ngượng với đồng nghiệp. Vậy thì hãy làm thành tập hồ sơ, hoặc kín đáo hơn nữa là lưu trữ trong máy tính.
Những điều cần làm:
1. Xem lại các bài viết của mình trong vài năm gần đây. Lên danh sách những chủ đề lớn mà bạn quan tâm hoặc tò mò. Chọn lựa những vấn đề mà bạn thích để lưu giữ thông tin.
2. Xem có những chủ đề lớn nào khác mà bạn chưa đề cập đến trong những bài viết gần đây và chọn ra chủ đề mà bạn thấy thú vị nhất. Tạo một tập hồ sơ hoặc đặt trước mặt một cái hộp và dán nhãn tên chủ đề đó.
3. Nếu bạn thường xuyên phụ trách một mục nào đó, hãy xem có những chủ đề nào mà tới nay bạn chưa tiếp cận được. Lập một tập hồ sơ về chúng và bắt đầu “hỏi dò” các nguồn tin.
4. Dành chút thời gian tìm kiếm trên mạng Internet về một vài chủ đề mới mẻ và bổ sung vào tập hồ sơ riêng một số thông tin từ các website liên quan đến những chủ đề mà mình quan tâm