Tâm lý học tham vấn là một chuyên ngành tâm lý học bao gồm những nghiên cứu và ứng dụng trong nhiều lĩnh vực rộng lớn khác nhau: đào tạo và đầu ra; giám sát và đào tạo; tư vấn và phát triển hướng nghiệp; can thiệp về sức khỏe
Để trở thành một chuyên viên tham vấn tâm lý?
Ở nước ngoài, để trở thành một chuyên viên tham vấn tâm lý, bạn phải hoàn thành bốn năm đại học, cộng thêm hai năm nữa để trở thành thạc sĩ. Lúc này bạn mới thực sự trở thành một chuyên viên tham vấn tâm lý được thừa nhận.
Tuy nhiên thực tế tại Việt Nam, do quy trình đào tạo và nhu cầu xã hội, vì vậy con đường dẫn lối đến với ngành tham vấn tâm lý được đơn giản hơn. Bạn chỉ cần hoàn thành 4 năm đại học và học thêm một khóa học ngắn liên quan, ví dụ như: trị liệu gia đình hay trị liệu hệ thống. Nắm trong tay bằng cử nhân và một bằng chuyên sâu, bạn đã trở thành một chuyên viên tham vấn tâm lý.
Công việc tham vấn bao gồm nhiều mảng ngành khác nhau, điển hình như tham vấn học đường, tham vấn trị liệu,…Nếu biết cách nuôi dưỡng và phát triển nghề nghiệp, khi được xã hội thừa nhận, bạn sẽ nâng lên ở một cương vị cao hơn thành “ Chuyên gia tham vấn tâm lý”.
Yêu cầu để trở thành một chuyên viên tham vấn tâm lý, đòi hỏi bạn phải có:
+ Kiến thức
+ Kỹ năng
+ Phẩm chất đạo đức tốt.
Tố chất và kỹ thuật cơ bản
Bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, đều đòi hỏi bạn phải theo những nguyên tắc nhất định được đặt ra. Một chuyên viên tham vấn tâm lý cần tuân thủ theo một chuỗi quy trình công việc như sau:
+ Lắng nghe thân chủ
+ Đồng cảm với thân chủ
+ Khơi gợi sức mạnh nội lực của thân chủ
+ Giải quyết áp lực và tháo gỡ những khúc mắc cho thân chủ..
Để trở thành một chuyên viên tham vấn tâm lý không hề đơn giản, ngoài các yêu cầu về kỹ năng và theo một chuỗi quy trình nhất định, thì bạn phải thông thạo hai kỹ thuật cơ bản:
+ Làm “ tấm gương rỗng”
Nghĩa là, khi bắt đầu tham vấn cho một thân chủ, bạn phải tuyệt đối đứng ở vị trí khách quan, cả tư tưởng và đầu óc bạn phải thật tỉnh táo. Bạn không được phép làm nhiễu suy nghĩ của mình bởi những lộn xộn bên ngoài, hay những rắc rối của cá nhân. Bạn phải gạt phăng tất cả những điều ấy và chỉ tập trung giải quyết vấn đề của thân chủ.
+Thuyết phục
Khi một thân chủ tìm đến bạn để giúp đỡ, nghĩa là họ đặt niềm tin vào bạn. Từ lúc này trở đi, bạn phải biết cách khơi gợi, cách thuyết phục thân chủ, cách đồng cảm, thấu hiểu để giải quyết vấn đề, giúp thân chủ không còn áp lực và tìm ra một con đường mới
Một điều quan trọng để trở thành một chuyên viên tham vấn đúng nghĩa đó là phẩm chất đạo đức của nhà tham vấn:
+Bạn không được quyền vụ lợi: nghĩa là không định hướng thân chủ phụ thuộc vào những mục tiêu quyền lợi của bạn.
+Không được dùng nội lực của bạn đè bẹp thân chủ, mà ngược lại bạn phải biết cách khơi gợi và hỗ trợ thân chủ.
+Một điều cực kỳ quan trọng nữa là bạn không được có thái độ thân tình với thân chủ.
“Nghề thoát vai”
Nhà tham vấn được biết đến với một tên gọi khác khá thú vị đó là “nghề thoát vai”. Vì sao?
Chuyên viên tham vấn tâm lý là một công việc đòi hỏi rất nhiều kiến thức về xã hội, cũng như các kỹ năng chuyên ngành. Nghề này đòi hỏi ở bạn những phẩm chất đạo đức cao quý, bạn phải đặt lợi ích của thân chủ lên trên lợi ích của cá nhân. Chính vì vậy, chắc chắn rằng một nhà tham vấn tâm lý cũng sẽ gặp không ít những rắc rối về tâm lý.
Bạn vượt qua, bằng cách nào?
Bạn phải biết cách lấy lại năng lượng cho bản thân bằng một cơ chế mà người trong nghề gọi là “ cơ chế thoát vai”. Cơ chế này sẽ giúp bạn loại bỏ những căng thẳng và áp lực trong công việc, bằng cách tập trung giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề của thân chủ, cuối cùng là biết cách gạt bỏ chúng đi để hòa nhập vào cuộc sống thường nhật hằng ngày.
Nếu thực sự bạn yêu thích công việc của một nhà tham vấn tâm lý, hãy dấn thân theo đuổi đến cùng, chắc chắn bạn sẽ tìm thấy sự thú vị cũng như học hỏi thêm nhiều kiến thức. “Không có nghề nào tôn vinh con người”, chỉ có lòng đam mê và yêu nghề, bạn sẽ nâng tầm nghề nghiệp của chính mình lên một nấc thang mới