Việc làm diễn giả - khó nhưng thú vị

Thứ Sáu, 10/07/2015, 14:46 GMT+7

Bài viết này không nói về những định nghĩa lý thuyết, song là những chia sẻ gần gũi, tiếp cận với những góc nhìn chưa đúng để giúp cho những ai thật sự quan tâm có cách hiểu đúng về một nghề còn khá mới mẻ ở Việt Nam này – Nghề diễn giả.
Diễn giả là một con vẹt biết đọc sách?
Một số bạn không thấy được đâu là sự khác nhau giữa những điều diễn giả nói và những điều các bạn đọc thấy trong sách nên cho rằng: diễn giả chỉ là một con vẹt, không hơn không kém.
Nếu các bạn đọc nhiều hơn nữa những quyển sách kinh điển của nhân loại và tham dự những buổi diễn thuyết của các diễn giả nổi tiếng thế giới, nếu vẫn với cách nhìn như vậy, chắc chắn các bạn sẽ phải thất vọng ê chề khi thấy những điều các vị ấy nói chẳng có gì mới lạ so với những điều có trong sách. Nếu bạn nghe bất cứ một diễn giả nào nói về những điều hoàn toàn mới mẻ với bạn thì đồng nghĩa với việc có những cuốn sách bạn chưa từng được đọc chứ không hẳn đó là những kiến thức mới mẻ so với tri thức của nhân loại.
Vậy diễn giả là con vẹt hay bạn là người ít đọc sách?
Vậy đâu là khác biệt giữa những điều sách viết và những gì diễn giả nói?
Những nguyên lý và qui luật trong vũ trụ này thì bao đời vẫn vậy, nhưng mỗi một người sẽ có một cuộc đời riêng. Diễn giả là người tìm hiểu sâu và vận dụng một nguyên lý hay qui luật nào đó và đã đạt được thành tựu, vậy là họ đi chia sẻ lại cùng người khác. Vì là câu chuyện của chính họ, trải nghiệm của chính họ, những nghiên cứu đào sâu của chính họ nên họ sẽ nói bằng chính con tim của mình. Cùng với khả năng diễn đạt xuất sắc, khả năng nắm bắt tâm lý, khả năng tác động và truyền cảm hứng, diễn giả giúp người tham dự quyết tâm hành động để thay đổi và phát triển con người chính mình.
Đọc một kịch bản phim và xem một bộ phim, cách nào thú vị hơn? Giữa một bản chép nhạc và một bài hát được ca sĩ thể hiện, bạn chọn thưởng thức cách nào? Đó cũng là điểm khác biệt khi bạn đọc sách và khi nghe diễn thuyết. Nếu một kịch bản hay một bản chép nhạc đủ sức đánh động vào cảm xúc, làm bay bổng và giúp thăng hoa tâm hồn con người thì trên đời này đâu có người làm nghề đạo diễn, diễn viên hay ca sĩ. Nếu ai cũng chỉ cần đọc sách rồi tự học hỏi và thành công thì trường lớp là thứ xa xỉ nhất trên đời này.
Vai trò của diễn giả là giúp truyền tải một nguyên lý hay tư tưởng nào đó một cách sống động và đầy cảm xúc thông qua khả năng diễn đạt lôi cuốn của họ. Khác biệt ở đây là cảm xúc họ tạo ra và lan tỏa đến người nghe. Và điều tạo nên cảm xúc chính là việc họ đã chiêm nghiệm và trải nghiệm sâu sắc nguyên lý ấy trong cuộc sống của mình. Rất nhiều diễn giả cùng chia sẻ về một nguyên lý, một bài học, nhưng không ai giống ai, vì cuộc đời của mỗi người khác nhau, trải nghiệm của mỗi người khác nhau. Giả nếu bạn có nghe diễn giả kể về một câu chuyện bạn đã từng đọc ở đâu đó, thì qua cách kể chuyện và đúc kết của diễn giả, bạn sẽ có thêm những lối suy tư mới, những bài học mới, góc nhìn mới, và nhất là cảm xúc hoàn toàn mới.
Một chương trình diễn thuyết luôn được thiết kế để bạn trải nghiệm cảm xúc thật sự của mình. Diễn giả dùng chính những câu chuyện có thật, những trải nghiệm của họ cùng với những kỹ thuật tác động lên tâm lý, thể chất và tinh thần để đưa bạn vào dòng chảy của cảm xúc, giúp bạn liên tục nhìn về bản thân và trải nghiệm trước những bài học về cuộc sống. Bao nhiêu điều hay bạn đọc từ sách, nhưng mấy điều bạn đem ra vận dụng để thành công? Điều quan trọng không phải là việc hiểu biết nhiều, nhưng chính là việc bạn cảm nếm và vận dụng những điều mình biết như thế nào. Diễn giả chuẩn bị cho bạn đầy đủ về mặt nhận thức và những điều kiện về thể lý và tinh thần, giúp bạn kết nối với nguồn sức mạnh và tiềm năng bên trong của mình để tự tin và mạnh mẽ hành động, không trì hoãn. Quan trọng là diễn giả làm cho người nghe trăn trở đến mức phải thay đổi cho được những thói quen làm trì hoãn con đường phát triển bản thân.
Trong cuộc sống, phần đông chúng ta biết rất nhiều nhưng luôn trì hoãn trong hành động; và chúng ta cũng rất dễ bị mất phương hướng, lạc đường. Sự yếu đuối trong con người làm cho chúng ta dễ chán nản, buông xuôi trước những khó khăn của cuộc sống. Trước những thất bại, không phải ai cũng đủ dũng cảm để soi mình trong gương, để nhìn nhận, chấp nhận và thay đổi. Rồi chúng ta thường thiếu nhìn xa, trông rộng, hiểu sâu…, vì vậy mà chúng ta luôn cần có những người khôn ngoan, có kinh nghiệm hướng dẫn và hỗ trợ.
Vì sao diễn giả có thẩm quyền chia sẻ?
Ngoài khả năng nói và diễn xuất tốt, để nói một cách thuyết phục, diễn giả phải là người trải nghiệm hoặc nghiên cứu sâu, nên họ luôn là người đọc nhiều, đi nhiều, gặp gỡ nhiều, quan sát nhiều, đúc kết nhiều và cuộc đời họ đã có thành tựu; vậy là họ có thẩm quyền để đi chia sẻ lại cho người khác.
Có những doanh nhân, vận động viên, người tàn tật, những người lâm vào những tình cảnh khốn khó trong cuộc đời…, khi vượt qua và bước tới đỉnh vinh quang, họ mong muốn được chia sẻ với mọi người con đường mình đã đi qua và rèn luyện thêm những kỹ năng để trở thành diễn giả. Họ kể lại quá trình họ đã trải qua, và đã thành công như thế nào trong cuộc sống, trong chính nghề nghiệp, trong từng biến cố cuộc đời. Tính thuyết phục trong lời nói không chỉ từ khả năng ăn nói mà còn từ sức hút của trải nghiệm. Họ chọn diễn thuyết không chỉ như một nghề nghiệp, một phương tiện mưu sinh, nhưng còn vì họ mong muốn được chia sẻ với người khác những điều thú vị, tốt đẹp, hữu ích trong cuộc sống; cảm giác có ích cho người khác, giúp mọi người có niềm tin, thành công trong cuộc sống.
Có nhiều diễn giả với nhiều đề tài, thể loại khác nhau như đề tài về thành công, hạnh phúc, mối quan hệ trong gia đình, sáng tạo, làm giàu, cân bằng cuộc sống, khởi nghiệp, lãnh đạo, quản lý, phát triển con người… Có những diễn giả chỉ chuyên mang đến nụ cười cho người nghe, giúp giải tỏa những căng thẳng; hay giúp lên tinh thần, truyền cảm hứng, tạo động lực… Bạn phải thật sự biết mình cần gì thì bạn sẽ lựa chọn tham dự chương trình diễn thuyết phù hợp nhất. Và khi tham gia vào chương trình, bạn hãy ở tư thế học hỏi và mở lòng thì bạn mới đón nhận được những điều hay, còn khi ở thế thủ và tư thế của người quan sát và soi xét, bạn sẽ đánh mất rất nhiều điều ý nghĩa và ích lợi cho chính mình.
Với những bạn trẻ muốn đi theo Nghề diễn giả, hãy biết tận dụng mọi cơ hội để trưởng thành và vững vàng, phải sống hết mình với niềm đam mê ấy và dấn thân đến cùng, rèn luyện các kỹ năng diễn thuyết và không ngừng hoàn thiện bản thân

.Việc làm diễn giả - khó nhưng thú vị

Tags: học làm giàu, quản lý tài chính, nghề diễn giả, diễn giả, nghề ăn nói, kỹ năng, kỹ năng thuyết trình, diễn giả nổi tiếng thế giới, bí quyết thành công
KiemViec.net / Việc làm vui
No avatar
Đăng bởi minhthien
Tham gia 04/03/2015
Cấp độ Administrator
Bài viết 125/125
Tags: học làm giàu, quản lý tài chính, nghề diễn giả, diễn giả, nghề ăn nói, kỹ năng, kỹ năng thuyết trình, diễn giả nổi tiếng thế giới, bí quyết thành công
KiemViec.net / Việc làm vui